July 26, 2011

HƯƠNG VỊ TẾT


 (Bài cũ, đưa lên cho người xa xứ để nhớ Tết. Chủ nhà bận ăn chơi nhảy múa, không viết kịp)
Hôm nay trời Phương Nam mà cũng se se lạnh, không khí gợi nhớ mùi bếp than nấu bánh chưng đêm Ba mươi với mẹ và các em.
Những năm ấy củi trong vườn không thiếu. Cây Khế chua già rồi, mỗi đợt chuyển mùa lại khô đi một cành. Mẹ gọi ba ra chặt đưa xuống chất sau chái nhà.



Ngày 29 phải đi mua lá chuối ( ngoài Bắc thì có lá dong, bánh sẽ có màu xanh đậm hơn). Lá chuối phải được rửa thật sạch, thả lá chuối vào chậu lớn, lấy khăn trắng chưa dùng lau thật nhẹ cho lá khỏi rách, sau đó chọn lá to bỏ sang một bên để bao ngoài, lá nhỏ lót trong. Lá chuối không cần hơ cho héo vì người gói bẻ lá rất tài. Ngày 30 tất bật từ sáng vì phải đãi nếp, ngâm đậu, xắt thịt heo làm nhân...Xong việc, mẹ sẽ gói bánh. Trải lá chuối ra chiếc nong thật lớn và bằng phẳng, mẹ xúc một chén nếp đã để ráo vào lá chuối, bốc nắm đậu xanh đãi vỏ rải vào giữa, đặt miếng thịt  ướp tiêu và hành muối, sau đó lại thêm 1 lớp đậu xanh, 1 chén nếp nữa và gấp các góc bánh. Gấp không khéo bánh chẳng vuông cho mà còn rơi nếp ra ngoài. Có người dùng khuôn cho đẹp bánh nhưng mẹ tôi thì không. Mẹ gói rất nhanh, thỉnh thoảng nhìn xem tôi gói cái bánh bé xíu của mình thế nào. Tôi là con gái tất nhiên cũng phải tề gia nội trợ nhưng bánh tôi gói bé tí. Gói hết bao nhiêu lá của mẹ  mà vẫn xấu như một đùm mắm tôm. Khi còn bé tí mẹ hay đét vào tay tôi để tôi khỏi tham gia vụ này nhưng tôi đâu có chừa, thậm chí tôi còn lừa lúc mẹ bận việc chạy vào bếp bốc trộm 1 con tôm hay con mực làm nhân nữa.

Gói xong bánh , tất cả được chất vào nồi, có khi chất vào chiếc thùng gánh nước to đùng và bắt đầu nấu. Mới nổi lửa thì ai cũng hăng hái đút củi, chêm nước. Sau dần " rã đám", đến khuya chỉ còn 1 hoặc 2 người ngồi tư lự ngắm lửa nhảy múa, đầu gối lên đầu gối. Nhưng tôi cũng hay nấn ná làm người sau cùng, vì lửa than  rất ấm. Vì...cái máu lãng đãng lúc ấy đã có rồi. Vì thế mẹ quên hết chuyện tôi lanh chanh hồi sáng mà quàng tay ôm  tôi vào lòng, cứ ngồi thế nửa thức nửa ngủ cho đến gần sáng. Cho đến khi mẹ mở nắp ra và tôi lập tức khều cái bánh bé tí của mình đem ra ngoài ngắm nghía. Tôi không thích ăn bánh chưng, nhất là những cái do mình làm nhưng suốt cái Tết đó, chiếc bánh được giữ gìn rất cẩn thận, mãi đến khi lớn tôi mới bỏ cái thói đi đâu cũng tha nó theo như bảo bối.

Qua tết, khoảng mồng 5 là bắt đầu chuyển qua ăn bánh chưng chiên vì nó sẽ hơi bị lên mùi. Nếu bánh còn ngon thì lấy dây lạt tước nhỏ, đặt lên bánh, lật ngược lại siết sợi lạt cho bánh chia ra làm 4 hoặc 8 miếng là được. Gặp bánh đã muốn hư phải lấy dao lạng bỏ phần ngoài. Xưa kia ăn bánh chưng chiên là trường kỳ, bây giờ bánh có mùi lập tức bị bỏ đi vì sợ đau bụng, tiền thuốc quá tiền ăn.

Miền Bắc hay ăn bánh chưng với củ cải muối chua, hành, kiệu ngâm. Miền Nam, nhất là Phan Thiết lại hay ăn  với măng khô. Khoảng ngày 23 âm lịch, khi cúng ông Táo về trời là phải đem măng khô ra xé nhỏ ngâm nước, vài giờ phải xả nước một lần, đến ngày thứ hai thì đem luộc và xả nước khoảng 3 lần. sau 3, 4 ngày thì hầm được. Măng có thể hầm với thịt heo, thịt vịt. Hầm thật nhỏ lửa, không được  xáo nhiều, đến khi măng ngấm vị ngọt của thịt và tiêu, muối, hành, đường...là được măng hầm cũng có thể ăn với bánh tráng mỏng nhúng nước và rau sống.
Bây giờ mẹ tôi đã già, tay mẹ không mềm mại để bẻ góc lá bánh nữa, mẹ cũng không thể thức trông nồi bánh chưng với tôi. Bánh chưng được mua từ những gia đình chuyên nghề này. Họ gói mỗi ngày lên đến vài trăm cái và tất nhiên phần lớn đều giống nhau.
Bây giờ trong tôi chỉ còn lại ánh lửa ký ức nhảy múa, khi tóc còn chưa mựơt đến lưng, ngồi tư lự ngắm những niềm hạnh phúc cháy bùng, reo vui bên nồi bánh chưng ngày Tết

No comments:

Post a Comment